icon-load

Loading..

Nghi Lễ Tang Ma Của Người Chăm Bà La Môn – Phần 2

Nghi Lễ Tang Ma Của Người Chăm Bà La Môn – Phần 2

Tiếp theo phần 1 - Phong tục lễ nghi tang ma của  người Chăm - Bà La Môn

Danh Sách Nghi Lễ Tang Ma Quan Trọng Của Người Chăm - Bà La Môn

  • Lễ Đam Dak (Đám Chôn)
  • Lễ Thi Mư Tai (Lúc Tắt Thở)
  • Lễ  Plày Ya Kakdhong (Lễ Cho Nước)
  • Lễ Yang Mnaay (Lễ Tắm Rửa)
  • Lễ Pĩ Kahnhao (Lễ Khâm Liệm)
  • Lễ Plày Băn (Lễ Cho Ăn)
  • Lễ Tak Yu (Lễ Chém Cây)
  • Lễ Pa Plao (Lễ Tiễn Đưa Người Chết)
  • Lễ Cuh (Lễ Hỏa Thiêu)
  • Lễ Nhập Kút

Chi Tiết Về Những Nghi Lễ Tang Ma Quan Trọng Của Người Chăm - Bà La Môn

Lễ Đam Dak (Đám Chôn)

Những người chết được chôn trong các trường hợp sau:

  • Trẻ em dưới 14 tuổi, không phân biệt gia đình tu sĩ hay thứ dân, trai hay gái đều phải chôn. Người Chăm quan niệm trẻ khi chưa đến tuổi trưởng thành nếu chết thì phải chôn để chúng trở về cát bụi.
  • Những người được coi là dòng dõi thấp hèn trong xã hội cũng phải chôn
  • Có những dòng họ khá giả, nhưng theo tập tục của dòng họ cũng phải đem chôn. Người ta gọi những dòng họ này là dòng chôn. Đó là dòng Yali - Yanguk ở Phước Lập, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và dòng họ ở làng Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình Thuận.

Lễ Thi Mư Tai (Lúc Tắt Thở)

Sau khi người thân tắt thở, tang chủ mời thầy Pồ sà, Pa sế để lo việc hỏa táng.

Theo quy định của người Chăm đạo Bà La Môn, nếu người chết bình thường thì làm lễ rửa tội tại nhà, chết không bình thường, bất đắc kỳ tử thì phải mang ra đồng ruộng hoặc 1 cái lán nào đó. Người ta đặt người chết theo hướng đầu quay về phía Bắc, thi hài được đắp 1 khăn trắng.

Thầy Pa sế bắt đầu mang 1 cái bình nước, trầu cau, tay cầm mộc trượng (cây để vẽ bùa chú) đi đến bờ sông đọc vài câu bùa chú, làm lễ xong ông thầy nhét trầu cau xuống dưới cát, sau đó múc nước sông đem về để kề bên đầu thi hài và chuẩn bị cho lễ kế tiếp là Lễ Cho Nước.

Lễ Plày Ya Kakdhong (Lễ Cho Nước)

Trong Lễ Cho Nước có các hiện vật như cây mác, 1 cây nến lớn, 1 cây nến nhỏ, 1 cái nhẫn "Mư Ta" (nhẫn có gắn hột màu đen), và 1 cái lư hương.

Ông thầy Pa sế lấy 3 cọng tranh thắt hình ngũ trảo (loại chim săn, loại rồng cách điệu). Thầy ngồi bên hướng Tây của thi hài, gắn cây nến và chiếc nhẫn vào cây mác, rót nước trong ấm (bình) vào 1 cái vại gốm (hũ), đốt trầm, khi hương tỏa khói, ông thầy vỗ tay 3 lần. Sau đó dùng 1 bó bùa nhúng nước hương trầm rảy lên chăn phủ thi hài, tiếp tục đọc kinh chú triệu hồn người chết và xoay đầu người chết về phía Nam.

Cuối cùng thi hài được đưa ra ngoài đồng ruộng hay 1 cái lán cách nhà từ 100 - 200m. Cùng lúc đó, họ hàng làng xóm đã được tin kéo đến làm giúp. Họ trồng cột, phạt tre, chẻ nứa, kết tranh, để vội vã dựng lên ở khu đất trống bên cạnh làng, 1 căn nhà lợp tranh đúng theo kiểu cổ truyền với bao nhiêu cột gỗ, xà, kèo đã định, trực tiếp được các thầy cả chỉ dẫn, để sẵn sàng đưa thi hài ra quàn ở đó, chờ ngày lên dàn hỏa.

Lễ Yang Mnaay (Lễ Tắm Rửa)

Người Chăm quan niệm trước khi đưa người chết lên dàn hỏa, thi hài phải được tắm rửa sạch sẽ và thơm tho.

Người nhà  mặc cho người chết những bộ quần áo đắt tiền, những bộ này thường kết ví ở cổ và gấu.

Cũng giống như người Kinh, những người Chăm Bà La Môn khi tuổi cao đều may sẵn cho mình 1 bộ quần áo đẹp chờ lúc lâm chung. Tắm rửa, mặc quần áo cho người chết xong, thân nhân đặt người chết lên giường đầu quay về hướng Nam.

Lễ Pĩ Kahnhao (Lễ Khâm Liệm)

Khi khâm liệm, người chết được thân nhân mặc 1 cái áo, 1 cái quần lót, 1 cái váy nếu là nữ và 1 cái sà rông đối với đàn ông, 1 cái khăn trắng (đính tua 2 bên đầu).

Tuy nhiên số lượng mặc áo, quần nhiều hay ít thùy thuộc vào tuổi tác và dòng tộc của người chết:

  • Người chết thuộc dòng dõi quý tộc, giàu có, có chức sắc tôn giáo được liệm 9 cái chăn, 9 cái áo, và 11 cá khăn Bar Cil (loại khăn truyền thống dân tộc có viền tua ở 2 đầu).
  • Người chết thuộc loại trung nông và người có tuổi được liệm 5 cái chăn (váy), 5 cái áo và 9 cái khăn Bar Cil (nam nữ đều giống nhau)
  • Người chết thuộc tầng lớp nghèo liệm 3 cái chăn, 3 cái áo và 5 cái khăn Mrai (loại khăn thường không có hoa văn).
  • Đặc biệt trong nghi thức tắm rửa thi hài của họ hàng vua chúa, hoàng tộc, lễ tắm rửa xong phải có nước dừa rửa chân người chết thay cho nước lã. Nhà (rạp lợp bằng tranh) được trang trí bên trong rất lộng lẫy, các nghệ nhân được mời đến để vẽ muôn loài thú, chim phượng, vì họ quan niệm là các con thú sẽ đưa tiễn linh hồn người chết.
  • Trong lễ hỏa táng của người Chăm Bà La Môn đã ấn định đám tang là 4 ngày: 1 ngày cho ăn, 1 ngày nghỉ (để chuẩn bị lễ nghi), 1 ngày chém cây (ngày lấy gỗ làm đòn) và cuối cùng 1 ngày hỏa táng.

Lễ Plày Băn (Lễ Cho Ăn)

Người Chăm quan niệm, nếu muốn cho người chết qua thế giới bên kia khỏi khổ, thì phải làm thế nào để lúc chết, người ấy không bị đói khát.

Bởi thế nên công việc đầu tiên của thầy Pô sà (thầy cả) là phải lo cho người chết ăn uống no đủ, vì ra đi no đủ thì qua bên kia được sung sướng, linh hồn người chết không về quấy phá họ hàng.

Lễ cho ăn được bắt đầu với 4 thầy Pá sế. Thầy cả và 1 thầy khác nữa sửa soạn 1 khay gỗ tròn (Tlao kai) có chân đựng lễ vật gồm mấy chén nẻ rang, vài bát nước, 2 chén gạo trịnh trọng đem đến đầu người chết. 4 thầy Pa sế mỗi thầy đều có 1 nhiệm vụ riêng.

Lúc hành lễ, Pô sà là người điều hành toàn bộ nghi lễ. Thầy cả hô vài lời thần chú, vừa sạch miệng thi hài, lấy lá cây xúc nẻ, gạo đổ vào 3 lần, sau đó bỏ vào tai, mắt và mũi. Sau đó, lại lấy 1 cành lá nhỏ, vẩy theo những giọt nước đựng trong bát.

Lễ Plày Băn Là 1 Trong Những Nghi Lễ Quan Trọng Không Thể Thiếu

Tiếp đến thầy pa sế khác lấy những cọng tranh, buộc vào bông điệp đặt lên thây ma và tạo hình hài bằng mảnh tranh do thầy kết lại tượng trưng cho lục phủ ngũ tạng của người quá cố.

Sau những nghi lễ trên, ông Pô sà chấp  vấn sự thành tâm cúng kiếng của người thân để trình lên thây ma. Xong cuộc lễ, các thầy Pa sế được ăn uống, nhạc Kanhi được nổi lên.

Riêng thi hài có 1 mâm cơm gồm 1 trứng gà, 1 chén cơm và muối, sau đó 1 thầy Pa sế đem mâm cơm ra trước rạp lấy 1 ít cơm ở mỗi mâm đem ra ngã 3 hoặc ngã tư đường yểm tà.

Lễ cho ăn Plày Băn thường chấm dứt vào lúc nửa đêm.

Phần 3 Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Chăm Bà la Môn: Xem Tại Đây

Tham Khảo Thêm Phong Tục Tang Ma Của Dân Tộc Khác