Phong tục tang ma ở mỗi vùng miền Việt Nam, bên cạnh những quy định chung còn có những đặc điểm riêng, sắc thái riêng vì nó thuộc phạm trù xã hội, dân tộc và truyền thống địa phương.
Ở Việt Nam các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng có 4 hình thức mai táng: thổ táng, thủy táng, hỏa táng, và thiên táng. Trong thiên táng lại có Điểu táng tức đặt người chết lên dàn cây để ngoài trời cho chim đến rỉa thịt.
Theo quan niệm của người Chăm,Bà La Môn thì cái chết không hề làm đứt quãng các mối quan hệ giữa người chết với họ hàng thân thuộc của người đó.
Họ cho rằng ngoài cuộc sống trần gian còn có các cuộc sống ở bên kia thế giới, do vậy người chết, theo họ chỉ là sự chuyển đổi chỗ ở từ thế giới này sang 1 thế giới khác, ở đó linh hồn người chết cũng tham gia vào những công việc hàng ngày, có tác động ảnh hưởng tốt, giúp đỡ, che chở những người họ hàng thân thuộc hoặc ngược lại, mang đến những tai vạ cho những người này.
Những quan niệm trên ở mức độ đáng kể, đã xác định được mối quan hệ tới cái chết của con người và những hành động, cách thức chôn cất. Và để tiễn biệt người quá cố về thế giới bên kia, người ta phải thực hiện rất nhiều lễ nghi khá phức tạp.
Hỏa Táng Của Người Chăm Bà La Môn Là Như Thế Nào?
Hỏa táng đóng 1 vai trò rất quan trọng trong lễ nghi tôn giáo của người Chăm Bà La Môn.
Họ quan niệm rằng khi người ta chết phải làm lễ hỏa táng để linh hồn người chết được siêu thoát lên thiên đàng. Ngược lại nếu người chết không được thiêu thì linh hồn người chết sẽ không siêu thoát, đưa đến việc linh hồn người quá cố sẽ bắt tất cả người thân trong dòng tộc của họ, cho nên người Chăm Bà La Môn rất coi trọng tục hỏa táng.
Trong đạo Bà La Môn chia làm 2 phái: phái thiêu và phái chôn, nhưng người theo phái chôn ít, không đáng kể.
Lễ Hỏa Táng Của Người Chăm Bà La Môn Có Gì Điều Gì Khác Biệt?
Trong lễ hỏa táng có rất nhiều lễ nghi phức tạp và có sự khác nhau giữa đám tang ủa các tầng lớp trong xã hội do anh hưởng chế độ đẳng cấp của Ấn Độ. Người Chăm đã chia xã hội thành nhiều tầng lớp khác nhau: tầng lớp tu sĩ, người giàu và cuối cùng là người nghèo.
Ngoài ra tục hỏa táng còn quy định nghiêm ngặt như đối với trẻ em dưới 15 tuổi chết thì chỉ chôn không được thiêu. Đối với người lớn chết cũng chia ra làm 2 trường hợp:
- Chết bình thường: chết vì bệnh, chết do già
- Loại chết không bình thường: chết tai nạn, chết vì thú dữ, chết trận, chết vì sông suối, v.v... và chết ngày đại kỵ (ngày hết trăng mùng 1).
Tục còn quy định khi người bệnh hấp hối, sắp chết, tất cả những người trong gia đình và dòng họ phải đến canh chừng ngày đêm, vì đồng bào quan niệm, khi người chết tắt thở phải có người thân bên cạnh chứng kiến mới được coi là "chết tốt", nếu người chết không có sự chứng kiến của người thân là điều không lành, gọi là "chết xấu (Ha Mư Tai Phào)". Vì vậy họ chuẩn bị tất cả lễ nghi liên quan đến tục hỏa táng rất cẩn thận và chu đáo.
Nghi lễ tang ma của người Chăm theo đạo Bà La Môn có 2 giai đoạn: hỏa táng và nhập kút.
- Những người thuộc tầng lớp tu sĩ và quý tộc cử hành đám tang lớn, có thầy Pa sế làm lễ.
- Những người thuộc hạng bình dân, nghèo khổ, lao động chân tay thì chỉ được cử hành đám tang nhỏ, và chỉ có 2 thầy làm lễ.
Hình Thức Hỏa Táng Của Người Theo Đạo Bà La Môn Chia 2 Loại
Trong đám thiêu của người Chăm được chia thành 2 loại Thiêu tươi và Thiêu khô
- Thiêu tươi: là hình thức hỏa táng thông thường đối với 1 người chết bình thường, chết lành và không vào dịp kiêng kỵ hay vào thứ Năm hàng tuần.
- Thiêu khô: tiến hành đối với người chết xấu, gặp thời gian kiêng kỵ, sát sinh của đạo Hồi Giáo Bà Ni (Plàn Clék Ớ) hoặc tháng ăn chay, hay chết khi gia đình không đủ tiền bạc để làm hỏa táng luôn, v.v... Người chết được chôn tạm, cho đến khi có điều kiện, chọn thời điểm tốt sẽ bốc mộ lấy hài cốt để thiêu.
Còn tiếp Phần 2 - Click Xem Tại Đây
Tìm Hiểu Thêm Nghi Thức Tang Ma Của Các Dân Tộc Khác
- Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Ê Đê: Đọc Thêm Tại Đây
- Nghi Lễ Tang Ma Của Các Tộc Nhóm Ngôn Ngữ Môn - Khmer: Đọc Thêm Tại Đây
- Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Thổ: Đọc Thêm Tại Đây
- Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Cao Lan: Đọc Thêm Tại Đây
- Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Pà Thẻn: Đọc Thêm Tại Đây
- Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Nùng: Đọc Thêm Tại Đây
- Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Thái Đen: Đọc Thêm Tại Đây
- Nghi Lễ Tang Ma Của Dân Tộc Mường: Đọc Thêm Tại Đây
- Kiến Thức Về Nghành Tang Lễ: Đọc Thêm Tại Đây