icon-load

Loading..

Nghi Lễ Tang Ma Của Nhóm Người Chăm Bà La Môn

Nghi Lễ Tang Ma Của Nhóm Người Chăm Bà La Môn

Phong tục tang ma ở mỗi vùng miền Việt Nam, bên cạnh những quy định chung còn có những đặc điểm riêng, sắc thái riêng vì nó thuộc phạm trù xã hội, dân tộc và truyền thống địa phương.

Ở Việt Nam các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng có 4 hình thức mai táng: thổ táng, thủy táng, hỏa táng, và thiên táng. Trong thiên táng lại có Điểu táng tức đặt người chết lên dàn cây để ngoài trời cho chim đến rỉa thịt.

Theo quan niệm của người Chăm,Bà La Môn thì cái chết không hề làm đứt quãng các mối quan hệ giữa người chết với họ hàng thân thuộc của người đó.

Họ cho rằng ngoài cuộc sống trần gian còn có  các cuộc sống ở bên kia thế giới, do vậy người chết, theo họ chỉ là sự chuyển đổi chỗ ở từ thế giới này sang 1 thế giới khác, ở đó linh hồn người chết cũng tham gia vào những công việc hàng ngày, có tác động ảnh hưởng tốt, giúp đỡ, che chở những người họ hàng thân thuộc hoặc ngược lại, mang đến những tai vạ cho những người này.

Những quan niệm trên ở mức độ đáng kể, đã xác định được mối quan hệ tới cái chết của con người và những hành động, cách thức chôn cất. Và để tiễn biệt người quá cố về thế giới bên kia, người ta phải thực hiện rất nhiều lễ nghi khá phức tạp.

Hỏa Táng Của Người Chăm Bà La Môn Là Như Thế Nào?

Hỏa táng đóng 1 vai trò rất quan trọng trong lễ nghi tôn giáo của người Chăm Bà La Môn.

Họ quan niệm rằng khi người ta chết phải làm lễ hỏa táng để linh hồn người chết được siêu thoát lên thiên đàng. Ngược lại nếu người chết không được thiêu thì linh hồn người chết sẽ không siêu thoát, đưa đến việc linh hồn người quá cố sẽ bắt tất cả người thân trong dòng tộc của họ, cho nên người Chăm Bà La Môn rất coi trọng tục hỏa táng.

Trong đạo Bà La Môn chia làm 2 phái: phái thiêu và phái chôn, nhưng người theo phái chôn ít, không đáng kể.

Lễ Hỏa Táng Của Người Chăm Bà La Môn Có Gì Điều Gì Khác Biệt?

Trong lễ hỏa táng có rất nhiều lễ nghi phức tạp và có sự khác nhau giữa đám tang  ủa các tầng lớp trong xã hội do anh hưởng chế độ đẳng cấp của Ấn Độ. Người Chăm đã chia xã hội thành nhiều tầng lớp khác nhau: tầng lớp tu sĩ, người giàu và cuối cùng là người nghèo.

Ngoài ra tục hỏa táng còn quy định nghiêm ngặt như đối với trẻ em dưới 15 tuổi chết thì chỉ chôn không được thiêu. Đối với người lớn chết cũng chia ra làm 2 trường hợp:

  • Chết bình thường: chết vì bệnh, chết do già
  • Loại chết không bình thường: chết tai nạn, chết vì thú dữ, chết trận, chết vì sông suối, v.v... và chết ngày đại kỵ (ngày hết trăng mùng 1).

Tục còn quy định khi người bệnh hấp hối, sắp chết, tất cả những người trong gia đình và dòng họ phải đến canh chừng ngày đêm, vì đồng bào quan niệm, khi người chết tắt thở phải có người thân bên cạnh chứng kiến mới được coi là "chết tốt", nếu người chết không có sự chứng kiến của người thân là điều không lành, gọi là "chết xấu (Ha Mư Tai Phào)". Vì vậy họ chuẩn bị tất cả lễ nghi liên quan đến tục hỏa táng rất cẩn thận và chu đáo. 

Nghi lễ tang ma của người Chăm theo đạo Bà La Môn có 2 giai đoạn: hỏa táng và nhập kút.

  • Những người thuộc tầng lớp tu sĩ và quý tộc cử hành đám tang lớn, có thầy Pa sế làm lễ.
  • Những người thuộc hạng bình dân, nghèo khổ, lao động chân tay thì chỉ được cử hành đám tang nhỏ, và chỉ có 2 thầy làm lễ.

Hình Thức Hỏa Táng Của Người Theo Đạo Bà La Môn Chia 2 Loại

Trong đám thiêu của người Chăm được chia thành 2 loại Thiêu tươi và Thiêu khô

  • Thiêu tươi: là hình thức hỏa táng thông thường đối với 1 người chết bình thường, chết lành và không vào dịp kiêng kỵ hay vào thứ Năm hàng tuần.
  • Thiêu khô: tiến hành đối với người chết xấu, gặp thời gian kiêng kỵ, sát sinh của đạo Hồi Giáo Bà Ni (Plàn Clék Ớ) hoặc tháng ăn chay, hay chết khi gia đình không đủ tiền bạc để làm hỏa táng luôn, v.v... Người chết được chôn tạm, cho đến khi có điều kiện, chọn thời điểm tốt sẽ bốc mộ lấy hài cốt để thiêu.

Danh Sách Nghi Lễ Tang Ma Quan Trọng Của Người Chăm - Bà La Môn

  • Lễ Đam Dak (Đám Chôn)
  • Lễ Thi Mư Tai (Lúc Tắt Thở)
  • Lễ  Plày Ya Kakdhong (Lễ Cho Nước)
  • Lễ Yang Mnaay (Lễ Tắm Rửa)
  • Lễ Pĩ Kahnhao (Lễ Khâm Liệm)
  • Lễ Plày Băn (Lễ Cho Ăn)
  • Lễ Tak Yu (Lễ Chém Cây)
  • Lễ Pa Plao (Lễ Tiễn Đưa Người Chết)
  • Lễ Cuh (Lễ Hỏa Thiêu)
  • Lễ Nhập Kút

Chi Tiết Về Những Nghi Lễ Tang Ma Quan Trọng Của Người Chăm - Bà La Môn

Lễ Đam Dak (Đám Chôn)

Những người chết được chôn trong các trường hợp sau:

  • Trẻ em dưới 14 tuổi, không phân biệt gia đình tu sĩ hay thứ dân, trai hay gái đều phải chôn. Người Chăm quan niệm trẻ khi chưa đến tuổi trưởng thành nếu chết thì phải chôn để chúng trở về cát bụi.
  • Những người được coi là dòng dõi thấp hèn trong xã hội cũng phải chôn
  • Có những dòng họ khá giả, nhưng theo tập tục của dòng họ cũng phải đem chôn. Người ta gọi những dòng họ này là dòng chôn. Đó là dòng Yali - Yanguk ở Phước Lập, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và dòng họ ở làng Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình Thuận.

Lễ Thi Mư Tai (Lúc Tắt Thở)

Sau khi người thân tắt thở, tang chủ mời thầy Pồ sà, Pa sế để lo việc hỏa táng.

Theo quy định của người Chăm đạo Bà La Môn, nếu người chết bình thường thì làm lễ rửa tội tại nhà, chết không bình thường, bất đắc kỳ tử thì phải mang ra đồng ruộng hoặc 1 cái lán nào đó. Người ta đặt người chết theo hướng đầu quay về phía Bắc, thi hài được đắp 1 khăn trắng.

Thầy Pa sế bắt đầu mang 1 cái bình nước, trầu cau, tay cầm mộc trượng (cây để vẽ bùa chú) đi đến bờ sông đọc vài câu bùa chú, làm lễ xong ông thầy nhét trầu cau xuống dưới cát, sau đó múc nước sông đem về để kề bên đầu thi hài và chuẩn bị cho lễ kế tiếp là Lễ Cho Nước.

Lễ Plày Ya Kakdhong (Lễ Cho Nước)

Trong Lễ Cho Nước có các hiện vật như cây mác, 1 cây nến lớn, 1 cây nến nhỏ, 1 cái nhẫn "Mư Ta" (nhẫn có gắn hột màu đen), và 1 cái lư hương.

Ông thầy Pa sế lấy 3 cọng tranh thắt hình ngũ trảo (loại chim săn, loại rồng cách điệu). Thầy ngồi bên hướng Tây của thi hài, gắn cây nến và chiếc nhẫn vào cây mác, rót nước trong ấm (bình) vào 1 cái vại gốm (hũ), đốt trầm, khi hương tỏa khói, ông thầy vỗ tay 3 lần. Sau đó dùng 1 bó bùa nhúng nước hương trầm rảy lên chăn phủ thi hài, tiếp tục đọc kinh chú triệu hồn người chết và xoay đầu người chết về phía Nam.

Cuối cùng thi hài được đưa ra ngoài đồng ruộng hay 1 cái lán cách nhà từ 100 - 200m. Cùng lúc đó, họ hàng làng xóm đã được tin kéo đến làm giúp. Họ trồng cột, phạt tre, chẻ nứa, kết tranh, để vội vã dựng lên ở khu đất trống bên cạnh làng, 1 căn nhà lợp tranh đúng theo kiểu cổ truyền với bao nhiêu cột gỗ, xà, kèo đã định, trực tiếp được các thầy cả chỉ dẫn, để sẵn sàng đưa thi hài ra quàn ở đó, chờ ngày lên dàn hỏa.

Lễ Yang Mnaay (Lễ Tắm Rửa)

Người Chăm quan niệm trước khi đưa người chết lên dàn hỏa, thi hài phải được tắm rửa sạch sẽ và thơm tho.

Người nhà  mặc cho người chết những bộ quần áo đắt tiền, những bộ này thường kết ví ở cổ và gấu.

Cũng giống như người Kinh, những người Chăm Bà La Môn khi tuổi cao đều may sẵn cho mình 1 bộ quần áo đẹp chờ lúc lâm chung. Tắm rửa, mặc quần áo cho người chết xong, thân nhân đặt người chết lên giường đầu quay về hướng Nam.

Lễ Pĩ Kahnhao (Lễ Khâm Liệm)

Khi khâm liệm, người chết được thân nhân mặc 1 cái áo, 1 cái quần lót, 1 cái váy nếu là nữ và 1 cái sà rông đối với đàn ông, 1 cái khăn trắng (đính tua 2 bên đầu).

Tuy nhiên số lượng mặc áo, quần nhiều hay ít thùy thuộc vào tuổi tác và dòng tộc của người chết:

  • Người chết thuộc dòng dõi quý tộc, giàu có, có chức sắc tôn giáo được liệm 9 cái chăn, 9 cái áo, và 11 cá khăn Bar Cil (loại khăn truyền thống dân tộc có viền tua ở 2 đầu).
  • Người chết thuộc loại trung nông và người có tuổi được liệm 5 cái chăn (váy), 5 cái áo và 9 cái khăn Bar Cil (nam nữ đều giống nhau)
  • Người chết thuộc tầng lớp nghèo liệm 3 cái chăn, 3 cái áo và 5 cái khăn Mrai (loại khăn thường không có hoa văn).
  • Đặc biệt trong nghi thức tắm rửa thi hài của họ hàng vua chúa, hoàng tộc, lễ tắm rửa xong phải có nước dừa rửa chân người chết thay cho nước lã. Nhà (rạp lợp bằng tranh) được trang trí bên trong rất lộng lẫy, các nghệ nhân được mời đến để vẽ muôn loài thú, chim phượng, vì họ quan niệm là các con thú sẽ đưa tiễn linh hồn người chết.
  • Trong lễ hỏa táng của người Chăm Bà La Môn đã ấn định đám tang là 4 ngày: 1 ngày cho ăn, 1 ngày nghỉ (để chuẩn bị lễ nghi), 1 ngày chém cây (ngày lấy gỗ làm đòn) và cuối cùng 1 ngày hỏa táng.

Lễ Plày Băn (Lễ Cho Ăn)

Người Chăm quan niệm, nếu muốn cho người chết qua thế giới bên kia khỏi khổ, thì phải làm thế nào để lúc chết, người ấy không bị đói khát.

Bởi thế nên công việc đầu tiên của thầy Pô sà (thầy cả) là phải lo cho người chết ăn uống no đủ, vì ra đi no đủ thì qua bên kia được sung sướng, linh hồn người chết không về quấy phá họ hàng.

Lễ cho ăn được bắt đầu với 4 thầy Pá sế. Thầy cả và 1 thầy khác nữa sửa soạn 1 khay gỗ tròn (Tlao kai) có chân đựng lễ vật gồm mấy chén nẻ rang, vài bát nước, 2 chén gạo trịnh trọng đem đến đầu người chết. 4 thầy Pa sế mỗi thầy đều có 1 nhiệm vụ riêng.

Lúc hành lễ, Pô sà là người điều hành toàn bộ nghi lễ. Thầy cả hô vài lời thần chú, vừa sạch miệng thi hài, lấy lá cây xúc nẻ, gạo đổ vào 3 lần, sau đó bỏ vào tai, mắt và mũi. Sau đó, lại lấy 1 cành lá nhỏ, vẩy theo những giọt nước đựng trong bát.

Lễ Plày Băn Là 1 Trong Những Nghi Lễ Quan Trọng Không Thể Thiếu

Tiếp đến thầy pa sế khác lấy những cọng tranh, buộc vào bông điệp đặt lên thây ma và tạo hình hài bằng mảnh tranh do thầy kết lại tượng trưng cho lục phủ ngũ tạng của người quá cố.

Sau những nghi lễ trên, ông Pô sà chấp  vấn sự thành tâm cúng kiếng của người thân để trình lên thây ma. Xong cuộc lễ, các thầy Pa sế được ăn uống, nhạc Kanhi được nổi lên.

Riêng thi hài có 1 mâm cơm gồm 1 trứng gà, 1 chén cơm và muối, sau đó 1 thầy Pa sế đem mâm cơm ra trước rạp lấy 1 ít cơm ở mỗi mâm đem ra ngã 3 hoặc ngã tư đường yểm tà.

Lễ cho ăn Plày Băn thường chấm dứt vào lúc nửa đêm.

Lễ Tak Yu (Lễ Chém Cây)

Lễ nghi này do 1 ông Pô sà và 1 ông Pa sế đảm nhiệm, lễ vật gồm 3 chai rượu, trầu cau, 2 cái ly và 1 cái hũ nước làm phép.

2 thầy Pa sế mỗi thầy cầm 1 cây chà gạt, 1 cây mộc trượng bước ra đứng ở giữa rạp đọc vài câu thần chú, rồi mỗi ông cầm 1 cây, đẽo tượng trưng 3 lần rồi giao cho thợ làm đòn khiêng. 

Sau đó ông hăng (thợ làm nhà) cất 1 cái nhà mồ gọi là minh khí (dùng để khiêng người chết đem đi hỏa táng).

Mỗi góc nhà mồ có dán 4 con hăng (rồng Chăm được cách điệu) và cuối cùng 2 thầy đến ngã 3 đường đào 1 cái lỗ, họa hình người chết trong đó, đặt 3 đoạn tre rồi lấp lại.

Lễ Pla Plao (Lễ Tiễn Đưa Người Chết)

Lễ chém cây chấm dứt, bà con dân làng gạt bỏ tất cả mọi công việc làm ăn để tới giúp tang chủ. Gia đình tang chủ cũng chủ giết dê hoặc trâu để thết đãi bà con họ hàng.

Trong thời gian ấy, người ta làm 1 chiếc nhà táng bằng tre, lợp vải, có dán giấy cắt hình con hăng bay lên trời, ngụ ý khi thiêu thì những con hăng ấy sẽ đưa hồn người chết lên cõi thiên đường.

Đêm đến các thầy Pa sế phân công nhau làm các công việc phục vụ người chết. Thầy cả lo việc làm phép mặc đồ trang phục tăng lữ Bà La Môn, cổ quàng chiếc khăn đỏ, tay cầm gậy trúc có gắn thỏi sáp. Các thầy Pa sế mỗi người cầm 1 cái chà gạt (loại rựa dùng chặt cây).

Đêm khuya 1 ông thầy Pa sế đảm nhiệm việc đánh đàn cho gia chủ. Nhạc kanhi (đàn nhị) được nổi lên với giai điệu buồn bã như xót thương người quá cố. Đàn Kanhi được kéo cho đến 4-5h sáng thì chấm dứt để chuẩn bị cho ngày đưa người chết lên giàn hỏa táng.

Điểm đặc biệt trong tang ma của người Chăm Ninh Thuận là trong lễ tiễn đưa người mất tới giàn thiêu không thể thiếu cây đàn Kanhi.

Lễ Cuh (Lễ Hỏa Thiêu)

Các nhạc cụ được sử dụng trong lễ tiễn đưa người chết tới giàn thiêu, đối với  nhà nghèo thường là 1 cây đàn Kanhi. Nhà giàu thường mang theo 2 cây đàn Kanhi, 1 cái kèn Sarinai, 1 bộ trống Ghi năng, 1 cái trống vỗ Paran nưng.

Dân làng hôm ấy cũng bỏ tất cả mọi công việc làm ăn để đến tham dự đám tang vừa giúp đỡ gia chủ mọi việc vặt, vừa lễ vong linh người đã khuất lần cuối.

Khi lễ, những người là thân nhân trong dòng họ người chết không phân biệt đàn ông hay đàn bà, họ đều dùng khăn đội đầu quấn ngang lưng, quỳ xuống trước linh cữu, chắp tay lên đầu rồi nhoài mình về phía trước. Hành động đó được lặp đi lặp lại 3 lần.

Sau đó mọi người ngồi lại ăn uống 1 bữa nữa với gia đình tang chủ. Mâm cơm được dọn ra ngay trước cửa nơi để quan tài. Ăn uống xong xuôi, mọi người ngồi lại để cùng tang gia đưa linh cữu lên giàn hỏa.

Trước khi hành lễ, các thầy Pa sế phải xuống sông hoặc đến giếng nước tắm sạch sẽ, chỉ có 1 thầy Pa sế ở nhà lo sắp xếp công việc hỏa thiêu.

Sau khi tắm xong, 4 ông thầy mang chà gạt đi ra chỗ đòn khiêng (khi ấy đã dán bùa chú) và cắm 4 ngọn nến tượng trưng cho 4 vị thần ở 2 vai và 2 đầu gối, và khiêng đòn vào để cạnh người chết. 

Trong lúc thầy cả đọc thần chú, các thầy khác tụng niệm theo, đồng thời 4 thầy Pa sế sắp xếp cho lưỡi chà gạt chụm vào nhau và đặt vào giữa đòn khiềng, ngụ ý muốn diệt trừ cho hết hồn ma còn nằm ở đó.

Nhạc Kanhi Là Một Phần Rất Quan Trọng Trong Nghi Thức Hỏa Thiêu

Thầy Pô sà dẫn thầy Pa sế đi vòng phía đông của rạp để điểm lại  mọi vật phẩm lễ nghi, rồi vòng qua hướng Tây để vào rạp (cái nhà lợp bằng tranh).

Nhạc Kanhi nổi lên, mỗi thầy đều có 1 mâm cơm đem ra xếp trước rạp làm phép rồi lấy 1 ít cơm đem tống yểm bùa ở ngã 3 đường.

Trong lúc này, dân làng xóm vào, miệng hô những câu thần chú. Sau quan tài là những người thân thuộc, đến dân làng, họ mang theo cả gia tài của người quá cố.

Tục lệ Chăm quy định, người chết cũng được hưởng gia tài như người sống. Phần chia của họ phải đem thiêu cùng lúc với người chết.

Ra khỏi làng, tới 1 cái gò khá rộng, thầy cả đứng lại, ra lệnh cho những người khiêng đổi đầu quan tài.

ý nghĩa của việc này là làm cho hồn của người chết không nhận ra lối để trở về làng, để khỏi tìm ám những người mà hồn không ưa.

Giàn Hỏa Thiêu Là 1 Gò Đất Trống Gần Làng

Đến điểm hỏa táng ở 1 khu đất kế đó, thầy cả miệng hô thần chú, tay cầm mồi lửa cháy to, châm vào các mồi sáp đã được đặt sẵn từ trước, để ngọn lửa bùng lên. Khi đám cháy đã khá lớn, các thầy mới rút gậy ra.

Điểm đặc biệt trong lễ hỏa thiêu của người Chăm Bà La Môn là người ta sẽ lấy và lưu lại những miếng xương trán của người chết để chờ Ngày Nhập Kút. 

Sau Lễ Hỏa Thiêu Là Đến Các Đám Tuần

Sau Lễ Hỏa Táng là đến đám Tuần 3 ngày, tuần 7 ngày, cho người quá cố. 2 tuần này đều được làm tại địa điểm hỏa táng.

Lễ vật làm tuần gồm: gà luộc, 5 nắm cơm, canh và 5 cái bánh, 1 mâm có đặt hộp Klong đựng xương trán người chết, dưới có 1 lớp gạo, trên phủ 1 bộ y phục.

Sau đám tuần 7 ngày,  còn các đám tuần tháng, tuần năm. Nghi thức và lễ vật của tuần tháng, tuần năm cũng giống như đám tuần 3, 7 ngày nhưng đám tuần tháng, năm thì làm tại nhà người cố. Lễ tuần của người Chăm Bà La Môn giống như đám tuần của người Hồi Giáo Bà ni nhưng cách làm và lễ nghi khác nhau.

Lễ Nhập Kút

Kút giống như nghĩa địa, Kút là 1 tượng đá thường lấy ở sông hoặc biển, xưa kia được các nghệ nhân làm giống như "linh ga" biểu tượng của thần Civa.

Theo quan niệm của Bà La Môn Ấn Độ, khi người chết phải thiêu hủy xác, linh hồn sẽ được lên thiên đường, các xương cốt và tro đổ xuống ao hay sông suối.

Người Chăm theo đạo Bà La Môn Việt Nam những quan niệm giống như người Chăm Bà La Môn Ấn Độ, tuy nhiên có sự khác nhau về Kút. 

Sau khi hỏa táng, thân nhân lưu lại các mảnh xương trán của người chết (nữ 9 mảnh, nam 7 mảnh) để đưa vào Kút. Đây là cách người ta tưởng nhớ người quá cố.

Nhưng không phải tất cả những người chết đều được nhập Kút. Muốn vào Kút người chết bắt buộc phải có 1 số điều kiện sau đây:

  • Chết bình thường như chết già, chết bệnh có sự chứng kiến của thân nhân.
  • Thể xác phải toàn vẹn không đui, què, tàn tật.
  • Không phải chết do tai nạn, chết đuối, chết trận
  • Không lai về dân tộc và tôn giáo

Xương cốt của người không hội đủ điều kiện trên thì phải lập Kút khác ở ngoài hàng rào của Kút dòng họ gồm những người chết trong sạch (hội đủ điều kiện đã quy định về lễ nhập Kút).

Thời Gian Lập Kút Của Người Chăm

Người Chăm thường lập Kút vào tháng 1,2,3 và tháng 6 dương lịch (tức Plàn tha, chòa, clâu và plàn năm) và làm vào các ngày thứ 3,4,7, chủ nhật. Họ thường tổ chức lễ nhập Kút vào buổi chiều, sáng ngày hôm sau đưa hộp Klong đến Kút (nghĩa địa)

Đầu tiên họ làm lễ mở Kút để xin phép Pô thì cho nhập Kút mới. Đọc văn khấn để xin nhập Kút.

Sau đó thân quyến gia đình đều khấn vái linh hồn người chết cầu mong họ phù hộ con cháu và che chở con cháu.

Lễ nhập Kút bắt đầu do thầy Pa sế đảm nhận.

Ông gom tất cả các hộp Klong lịa, rồi lấy xương trán trong từng hộp Klong ra, xếp theo thứ tự nam riêng, nữ riêng và người có chức sắc Pa sế riêng, sau đó cho vào 1 cái hộp bằng vỏ cây 
(clàm) lấy ở biển.

Tiếp đến thầy Pa sế dùng cuốc đào sâu xuống phía dưới tượng Kút  khoảng 48-50cm, đặt hộp đựng xương xuống theo thứ tự như đã quy định, lặp lại và cuối cùng làm lễ kết thúc.

Tìm Hiểu Thêm Nghi Thức Tang Ma Của Các Dân Tộc Khác

Nghi Thức Tang Ma Của Người Chăm - Bà La Môn Có 1 Vài Điểm Đáng Lưu Ý Sau:

  • Khi 1 người dân thường chết, tang lễ được cử hành ngay ngày hôm sau; nếu là dòng dõi quý tộc hay quan lại đại thần thì 3 ngày sau, nếu là vua thì 7 ngày sau mới làm lễ tang.
  • 7 ngày sau người ta đem hương trầm đến khóc ở quanh đống tro củi của giàn thiêu, và cứ như thế làm 7 lần liên tiếp, mỗi  lần cách nhau 7 ngày. Đến trăm ngày và đến năm thứ 3 người ta lại cúng người chết.
  • Những quả phụ không bao giờ tái giá và để cho tóc mọc dài đến khi già.

  • Ngày nay nghi lễ hỏa táng của người Chăm Bà La Môn không còn làm giống như ngày xưa nữa. Họ thiêu người chết, lấy 9 xương trán bỏ vào Klong, tro thiêu thi hài đem bỏ xuống ao, gom hộp Klong của nhiều người lại để làm lễ nhập Kút.
  • Người Chăm Bà La Môn coi lễ hỏa táng là cách thực hiện nghĩa vụ của người sống đối với người chết. Người Chăm quan niệm, qua lễ hỏa táng người sống sẽ bày tỏ được lòng kính trọng của mình với người quá cố.

  • Tục hỏa táng của người Chăm Bà La Môn mang nét đặc trưng riêng: họ coi ngọn lửa là công cụ đưa linh hồn con người chuyển sang 1 kiếp khác. Vì thế, ngọn lửa hỏa thiêu chỉ làm cháy đi phần xác để giúp con người rời bỏ kiếp sống thực tại chuyển sang kiếp khác ở dạng siêu hình. Do đó cái chết chỉ thoảng qua còn linh hồn vẫn tồn tại mãi mãi mà sự chuyển hóa đó chính là nhờ vào ngọn lửa.

Tham Khảo Thêm: